Đi Tìm Nguyên Mẫu: Xác Định Vị Thần Trong Bạn

Ảnh: Deepak Chopra – Nguồn: dailychallenge.org

Chopra cho rằng khi còn sống trên thế gian này, tâm của ta sẽ chỉ được thỏa mãn khi nó hoàn thành được sự tìm kiếm bí mật của mình, đó chính là cái ý định cao cả (Grand Plan) mà số phận của chúng ta được tổ chức để thực hiện. Trong tâm mỗi con người có một chủ đề bao quát, một lối sống hào hùng/cao cả, một vị thần phôi thai mong muốn được sinh ra. Đó là mẫu người mà ta muốn thể hiện, là cái tôi mà ta không thừa nhận vì phần đông chúng ta không thể nhìn ra cái tiềm năng vô tận để mở ngỏ cho ta bước vào. Đó là cái tôi đẹp nhất, cái tôi không ích kỷ, cái mẩu vũ trụ (bit of the universe) trong ta hành động vì lợi ích của mọi người.

Những ai sống được một cuộc đời bình thường thì không tiếp xúc được với con người huyền bí trong mình. Chỉ khi nào hiểu được Ý định Cao cả ấy, chỉ khi nào biết nuôi dưỡng cái khát vọng nó làm cho đời ta thêm ý nghĩa ấy, và chỉ khi nào vào vai trong vở kịch huyền bí ấy, ta mới có thể đạt đến giác ngộ. Và từ chỗ giác ngộ ta mới biết yêu và biết thông cảm. Và sẽ được thành toàn, sẽ được thỏa mãn.

Những thần thoại xưa và những vị anh hùng trong huyền thoại được gọi chung là những nguyên mẫu (archetype – mẫu nguyên thủy). Đó là những chủ đề tồn tại đã từ rất lâu trong tâm thức tập thể (collective soul), thể hiện những khát khao, tưởng tượng và ước vọng sâu kín nhất của tâm thức tập thể. Những đề tài này còn mãi với thời gian. Ta bắt gặp nó trong văn chương của mọi thời đại. Nó thay hình đổi dạng tùy theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng cốt lõi của nó vẫn là một. Nó được thể hiện trong phim ảnh, trong những vở kịch phát thanh và truyền hình, trên những sách báo phổ thông. Những người cùng thời, những nhân vật đương thời được đề cao trong các phương tiện nghe nhìn chính là những nguyên mẫu hiện nay; họ thường được trình bày như những con người còn muốn làm được nhiều hơn nữa với kế hoạch trong sáng.

Chopra cho rằng, dù là thần tiên hay ma quỷ, dù linh thiêng hay phàm tục, dù tội lỗi hay thánh thiện, dù là kẻ kiếm tìm hay người đòi lại, dù là đối tượng yêu thương hay là kẻ chuộc lỗi, tất cả những hình tượng ấy đều là sự phóng đại của năng lực có ý thức (conscious energy) của tâm thức tập thể.

Nguyên mẫu xuất phát từ tâm thức tập thể nhưng được thể hiện bằng những linh hồn cá nhân. Huyền thoại của nguyên mẫu xuất hiện giữa đời thường. Cô đào sexy nổi tiếng Marilyn Monroe của Mỹ là hiện thân của sắc đẹp. Ông Nguyễn Cẩm Lũy, người nổi tiếng với việc di dời những công trình kiến trúc lớn từ chỗ này sang chỗ khác chỉ bằng những đòn tay và ròng rọc thô sơ, được gọi là thần đèn của Việt Nam.

Những nguyên mẫu của mỗi tập thể xã hội là những hạt giống đã được gieo sẵn trong mỗi linh hồn cá nhân của tập thể ấy. Mỗi người đều cố bắt chước theo một hay một vài nguyên mẫu. Mỗi người đều có một phần cứng (hardware) ở cấp độ linh hồn để phát huy những đặc điểm của nguyên mẫu.

Khi do những nhân duyên nào đó mà một hạt giống nảy mầm, thì từ trong hạt giống sẽ phóng ra những lực tạo mẫu (pattern-ing forces) giúp nó phát triển thành ra một bản sao của nguyên mẫu. Một hạt giống cà chua chỉ có thể phát triển thành cây cà chua chứ không thể thành một bụi hồng được. Con người cũng thế. Hoạt động của nguyên mẫu sẽ giải phóng ra những lực tạo mẫu khiến cho chúng ta phát triển giống với con người mà định mệnh đã an bài. Và nguyên mẫu của mỗi cá nhân được phản ánh trong những ham muốn và ý định của mình.

Vậy thì ta là ai? Ta muốn gì? Mục đích cuộc sống này là gì? Đó là những câu hỏi sâu kín nhất về tâm hồn ta. Và để trả lời được ta phải đối thoại với cái phần tâm hồn duy nhất có trong ta. Đó là cách để định nghĩa nguyên mẫu của cá nhân ta.

Chopra viết rằng chúng ta đang sống trong một xã hội hoàn toàn thiên về mục tiêu, cho nên mọi cái đều phải có một cái nhãn; nhưng cái nhãn này không giúp ích được gì nhiều cho việc khám phá bản chất của tâm hồn ta. Như Chopra chẳng hạn; người thì nói ông là một tác giả, người thì nói ông là một nhà tư tưởng, có người nói ông là một bác sĩ thân-tâm (chữa bệnh thể xác và trị liệu tâm hồn) có người lại nghĩ ông là một nhà tư vấn. Trong khi đó những đứa con gọi ông là cha, và người vợ xem ông là bạn tình. Tất cả đều đúng; những vai trò ấy góp phần định nghĩa Chopra, nhưng cái tôi của Chopra thì luôn luôn xuất hiện thêm ra theo sự khai mở của định mệnh. Nếu ta dán cho mình một cái nhãn hiệu, ta sẽ bị dính cứng như con bướm bị ghim lên tường.

Nhưng chấp nhận một nguyên mẫu thì không phải là dán nhãn, bởi vì nó không phải là đặt ra những hạn chế. Mà hoàn toàn trái lại. Nguyên mẫu là những mẫu sống, là những hình ảnh và lý tưởng dẫn dắt đời ta đến một số phận chung cuộc của tâm hồn. Nhận ra bản chất đích thực của mình và để cho nó được phát triển mãn nguyện cũng là một cách sống đẹp đẽ ở cấp độ tâm hồn – ta trở nên người hùng của câu chuyện truyền kỳ thần thoại.

Còn nếu ta để cho đời mình quay quắt bời những tác lực của thế giới vật chất, thì cho dù chúng ta có ý nghĩa hay không có ý nghĩa, ta cũng bị cuốn đi xa khỏi số phận của tâm hồn. Ta sẽ mong muốn những điều không dành để cho ta, ta sẽ có những ý định không phù hợp với ý định của vũ trụ. Diện mạo của những tác lực ấy như thế nào?

Theo Chopra, chúng có thể là những người bạn vô tư, cho ta những lời khuyên mà họ nghĩ là tốt nhất cho ta. Chúng có thể là những thông tin phổ biến rộng rãi mời chào ta mua những sản phẩm đủ loại mà cái nào cũng cực kì tốt đẹp và bổ dưỡng với giá siêu khuyến mãi. Chúng có thể là những công việc hấp dẫn với chức danh cao cấp và mức lương gồm bảy con số. Chúng là những thông điệp của thế giới vật chất; chúng không đến từ chốn cao xanh. Bản thiết kế của đời ta mà vũ trụ muốn gởi đến chỉ có thể tìm thấy trong tâm hồn mình, mà manh mối là những trùng hợp ngẫu nhiên, mà hình thức là những nguyên mẫu.

Vậy làm sao mà biết số phận nào được dành để cho ta, giấc mơ nào chỉ là sản phẩm của cái mà Chopra gọi là nền văn hóa thị trường đại chúng (mass-market culture – nền văn hóa nhắm vào việc tiếp thị sản phẩm cho quảng đại quần chúng) hiện nay? Đã có bao nhiêu em gái mơ được làm người mẫu chân dài? Đã có bao nhiêu bé trai mơ làm siêu sao bóng đá? Chúng thi đua để được là những nhân vật nổi tiếng, bởi vì những nhân vật này đang thể hiện những nguyên mẫu của riêng mình, và họ đã thành công khi theo đuổi những kiếm tìm riêng tư của chính họ. Chúng đâu có hiểu rằng chỉ khi nào ta biết được ý nguyện của linh hồn vũ trụ, chỉ khi nào ta biết nhìn sâu vào nội tâm để làm rõ những ước vọng sâu kín nhất của mình, chỉ khi nào ta chọn cái nguyên mẫu thích hợp nhất với ý định của mình và theo đúng mẫu mực xưa cũ của nó, chỉ khi ấy ta mới biết rõ nguyên mẫu của mình và số phận của mình. Một con cáo không thể đội lốt hùm, cũng như một con sư tử không thể bắt chước tiếng kêu của con dê mà được.

Trích Đào Chính – Đoan Nghiêm, Đối Thoại Nội Tâm

Người đánh máy: Trần Hồng