Từ Bi Quán

Ảnh:kadampa.org

Từ là đem niềm vui đến cho người, bi là lấy nỗi khổ của người ra. Chúng ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu “thương người như thể thương thân” ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng lực dồi dào. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị vướng mắc nên không gây khổ đau phiền não.

Chất liệu của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của người kia, làm một với họ, với mọi niềm đau nổi khổ của họ. Bi có nghĩa là thông cảm với cái khổ của người và có năng lực chuyển hóa cái khổ đó.

Chúng ta có thể bắt đầu tập quán chiếu về những người đau khổ về thể chất, những người yếu đuối bịnh hoạn, những người cùng cực bơ vơ không có ai nương tựa. Những người này ở đâu cũng có, rất dễ thấy. Có những trường hợp vi tế hơn. Có những người có vẻ không có gì là đau khổ, họ rất kín đáo, nhưng nếu quan sát kỹ, ta cũng thấy được những dấu hiệu chứng tỏ họ cũng có những niềm đau. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có những đau khổ của họ.

Khi ta quán chiếu về những người này, lấy họ làm đối tượng cho sự thực tập để quán chiếu về từ bi, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu vào nỗi đau của họ, dù khi đang ngồi thiền hay thực sự tiếp xúc với họ, ta phải nhìn cho kỹ để thấu triệt nỗi đau của họ đến khi ta cảm thấy niềm xót thương trào dâng trong lòng.

Nhờ quán chiếu sâu sắc như vậy mà xúc cảm của ta biến thành hành động. Ta thấy câu nói “tôi thương anh vô cùng” chưa đủ mà ta tìm mọi cách để làm vơi nỗi khổ của người kia. Từ bi có mặt khi ta thực sự làm người kia bớt khổ. Cho nên ta phải làm nẩy nở và nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Khi ta tiếp xúc với người kia, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta phải thể hiện được lòng từ, dù thân khẩu của người kia chưa thanh tịnh cũng vậy.

Ta phải thực tập như thế nào mà lòng từ bi của ta lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ có mặt khi người kia dễ thương. Tình thương của ta như vậy mới đích thực và vững chắc. Ta có nhiều an lạc hơn và người kia cũng được an lạc theo.

Niềm đau của họ sẽ từ từ giảm thiểu và đời sống của họ dần dần sáng sủa và tươi mát hơn.

Ta cũng có thể quán chiếu về những người làm ta đau khổ vì chính họ cũng đang đau khổ. Đó là điều chắc chắn. Chỉ cần tập theo dõi hơi thở và quán chiếu là ta có thể thấy được niềm vui của họ. Một phần những nỗi đau khổ và khó khăn của họ là do cha mẹ họ trao truyền từ khi họ còn nhỏ. Mà cha mẹ họ cũng có thể là nạn nhân của ông bà tổ tiên họ. Những hạt giống xấu cứ như vậy được truyền trao đời này sang đời kia. Nếu thấy rõ điều đó, ta sẽ không còn trách cứ hay giận hờn họ nữa. Ta đã hiểu được lý do vì sao họ đối xử không đẹp với ta. Ta không giận mà trái lại ta cầu mong sao cho họ bớt khổ đau. Ta không cần phải tìm đến họ để hòa giải. Khi ta biết nhìn sâu, ta đã hòa giải với chính ta rồi.

Mọi vấn đề đã được giải quyết. Lòng ta nhẹ nhàng và môi ta nở nụ cười tươi. Sớm muộn gì người kia cũng thấy được thái độ hòa ái của ta và cũng sẽ trở nên tươi mát như ta.

Cho nên có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an lạc hạnh phúc. Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm. Từ bi không phải là một ý tưởng chỉ nằm trong đầu ta. Không phải chỉ cần ngồi yên một chổ và quán tưởng về từ bi là ta có thể gieo rắc tình thương đến mọi nơi như gửi đi những luồng âm thanh hay ánh sáng.

Từ bi phải được thể hiện cụ thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với mọi người chung quanh.

Tình thương là một nguồn suối dạt dào nằm sâu trong lòng ta, chỉ cần ý thức được điều đó là ta đã có thể ban phát niềm vui đến cho bao người. Một câu nói hiểu biết dễ thương cũng đủ làm vơi bớt nỗi khổ, đánh tan mọi nghi kỵ hiểu lầm, đem lại tin yêu và tự do. Một hành động đúng lúc có thể cứu sống một mạng người. Mà hành động và lời nói ta chân chánh là nhờ ý nghĩ ta chân chánh.

Khi có tình thương chân thật thì tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều trở nên phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.

Trích Thích Nhất Hạnh, An Lạc Từng Bước Chân

Thiền Duyệt

breathe-istock

Ảnh: readersdigest.com.au

Các bài tập ý thức hơi thở thường có tác dụng thiền duyệt. Duyệt là niềm vui, sự an lạc. Thiền duyệt là niềm vui, sự an lạc do sự thiền tập đưa tới. Trong thiền môn có danh từ thiền duyệt vi thực có nghĩa là niềm vui của thiền tập được sử dụng như thức ăn để nuôi dưỡng hành giả. Nghi thức cúng ngọ có âu “nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn” (khi dùng cơm, nguyện cho mọi người biết lấy niềm vui của thiền tập làm thức ăn và niềm vui do chánh pháp đem lại được tròn đầy). Dưới đây là chi tiết bài tập:

1. Thở vào, tâm tĩnh lặng                                  Tĩnh Lặng

Thở ra, miệng mỉm cười                                     Mỉm Cười

2. Thở vào, an trú trong hiện tại                   Hiện Tại

Thở ra, giây phút đẹp tuyệt vời                    Tuyệt Vời

Nhiều người bắt đầu thực tập thiền bằng bài tập này. Có nhiều người dù đã thực tập bài tập này trong nhiều năm vẫn còn tiếp tục thực tập, bởi vì nó tiếp tục đem tới nhiều lợi lạc cho hành giả.

Thở vào, ta chú ý tới hơi thở: hơi thở vào tới đâu ta cảm thấy tĩnh lặng tới đó, giống như khi ta uống nước mát; nước tới đâu thì ruột gan ta mát tới đó. Trong thiền tập, hễ tâm tĩnh lặng thì thân cũng tĩnh lặng, bởi vì hơi thở có ý thức đem thân và tâm vè một mối. Khi thở ra ta mỉm cười, để thư giãn tất cả các bắp thịt trên cơ mặt (có khoảng ba trăm bắp thịt trên mặt ta). Thần kinh ta cũng được thư giãn khi ta mỉm cười. Nụ cười vừa là kết quả của sự tĩnh lặng do hơi thở đem lại, mà cũng là nguyên nhân giúp ta trở nên thư thái và cảm thấy sự an lạc phát hiện rõ ràng thêm.

Hơi thở thứ hai đem ta về giây phút hiện tại, cắt đứt mọi rằng buộc với quá khứ và mọi lo lắng về tương lai, để ta có thể an trú trong giây phút hiện tại. Sự sống chỉ mặt trong giây phút hiện tại, vì vậy ta phải trở về giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống. Hơi thở này giúp ta trở về sự sống chân thật. Biết mình đang sống và biết mình có thể tiếp xúc với tất cả mọi mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Đó là một phép lạ. Chỉ cần mở mắt hoặc lắng nghe là ta tiếp nhận được những mầu nhiệm của sự sống. Vì vậy cho nên giây phút hiện tại có thể là giây phút đẹp nhất và tuyệt vời nhất, nếu ta biết thực tập hơi thở thứ nhất nhiều lần trước khi đi sang hơi thở thứ hai.

Bài này có thể thực tập bất cứ ở đâu: trong thiền đường, trên xe lửa, trong nhà bếp, ngoài bờ sông, trong công viên, trong các tư thế đi, đứng, nằm ngồi và ngay cả lúc đang việc.

Trích Thích Nhất Hạnh, Sen Búp Từng Cánh Hé

Hiểu & Thương

buddhametta

Ảnh: crystalinks.com

HIỂU VÀ THƯƠNG

Hiểu và thương tuy hai chữ mà một ý.

Một buổi sáng kia, cậu con trai của bạn thức dậy thì thấy đã gần giờ đi học. Cậu liền đến đánh thức em gái của mình còn đang ngủ, để hai anh em có thể kịp ăn sáng trước khi đến trường.

Em bé ấy thay vì cám ơn lại gắt lên: “Đi đi! Kệ tôi!”

Cậu bé có thể đã nổi giận vì thái độ không dễ thương của em và có thể đi vào bếp để mách lại với bạn điều đó.

Nhưng cậu bé chợt nhớ rằng tối hôm qua em bé đã ho nhiều, chắc em đã bị sốt, không ngủ được, nên sáng nay mới khó chịu như vậy. Khi hiểu được điều đó, cậu bé không còn thấy giận em gái nữa.

Khi bạn đã hiểu, không thể nào mà bạn không thương. Và khó mà bạn có thể tiếp tục giận được.

Khi bạn đã hiểu thì bạn biết phải làm gì để người kia bớt đau khổ, bạn làm chuyện ấy rất tự nhiên không thấy cần phải cố gắng nhiều. Cho nên muốn hiểu sâu, ta nên tập nhìn mọi loài với con mắt từ bi.

TÌNH THƯƠNG CHÂN THẬT

Muốn thương ai, ta phải hiểu người đó. Nếu chỉ muốn chiếm hữu người đó làm của riêng thì đó chưa phải là thương. Ta không thể gọi đó là thương nếu ta chỉ biết lo cho ta, cho những nhu cầu của riêng ta còn những nhu cầu của người đó thì ta không hề để ý đến. Tình thương chân thật chỉ có khi ta thấy được những gì người thương ta cần hay không cần. Khi ta hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được. Lâu lâu ta nên ngồi sát cạnh người thương của ta, cầm tay người ấy và khẽ nói: ” Này em của anh, em có nghĩ là anh đã hiểu em chưa? Hay anh vẫn còn vụng về và làm cho em đau khổ? Hãy nói cho anh biết, bởi anh muốn thương em thật lòng!” Nếu ta thực tâm muốn tìm hiểu người thương thì giọng nói của ta sẽ biểu lộ sự quan tâm và người ấy sẽ mũi lòng.

Cánh cửa cảm thông đã mở, chuyện gì mà ta làm chẳng được.

Người ta đôi khi không có thì giờ hoặc không đủ cam đảm để hỏi con trai của mình những câu hỏi tương tự: “Con của ba, ba thương con, nhưng không biết ba đã hiểu được con chưa? “Ta phải có cam đảm đặt câu hỏi đó với con cái ta  nếu thương mà không hiểu, thì tình thương đó chưa đúng cách, trái lại càng thương ta càng làm cho người ta thương “bị thương”. Phải có hiểu mới có thương thật sự. Khi được hiểu, người được thương sẽ nở như một bông hoa.

Trích Thích Nhất Hạnh, An Lạc Từng Bước Chân

Metta Suttã – Kinh Từ Bi

ksyartsi289

Ảnh:usera.imagecave.com

The Buddha’s Teaching on Loving-kindness

This is the way of those who are skilled and peaceful, who seek the good and follow the path:

May they be able and upright, straightforward, of gentle speech and not proud.
May they be content and easy wherever they are.
May they be unburdened, with their senses calm.
May they be wise and not arrogant.
May they live without desire for the possessions of others.
May they do no harm to any living being.

May all beings be happy.
May they live in safety and joy.
All living beings, whether weak or strong, old or young, man or woman, smart or foolish, healthy or disabled, seen or unseen, near or distant, born or to be born, may they all be happy.

Let no one deceive or despise another being, whatever their status.
Let no one by anger or hatred wish harm to another.

As parents watch over their children, willing to risk their own lives to protect them, so with a boundless heart may we cherish every living being, bathing the entire world with unobstructed and unconditional loving-kindness.

Standing or walking, sitting or lying down, in each moment may we remain mindful of this heart and this way of living that is the best in all the world.

Kinh Từ Bi

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái. Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt thoát khỏi tử sinh.

(Nghe nhạc kinh tại đây.)

Chú Thích:

Mettã sutta với bản Việt dịch nêu trên của Thầy Nhất Hạnh do Làng Mai Pháp Quốc xuất bản. Tựa kinh tiếng Việt do thầy dịch là “Kinh Thương Yêu”, tiếng Anh là “Sutra on Loving-kindness” tiếng Sanskrit là “Maitri sutta”, nhà học giả Edward Conze dịch là “Unlimited Friendliness”. Kinh này thuộc hệ Nguyên thủy.

Theo ngài Narada Thera trong quyển Đức Phật và Phật Pháp, bản Việt dịch của Phạm Kim Khánh thì “Phạn ngữ Mettã, dịch là “Tâm Từ”, và Mettã Sutta dịch là “Kinh Từ Bi”. “Mettã là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng ước mong chân thành cho tất cả chúng sinh đều được sống an lành vui vẻ.”

“So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong kinh Từ Bi, Đức Phật không đề cập đến lòng trìu mến thương yêu (passionate love) ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Đức Phật chỉ nhằm vào sự mong mỏi chân thành của bà mẹ hiền muốn cho đứa con duy nhất của mình được sống an lành. Trìu mến thương yêu đem lại phiền não. Tâm từ chỉ tạo an lành hạnh phúc. “Đây là một điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu, trìu mến con, con thương yêu cha mẹ, chồng thương yêu vợ, vợ thương yêu chồng. Tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không so sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sinh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương yêu ích kỷ.

“Tâm từ (mettã) không phải sự yêu thương xác thịt, cũng không phải lòng luyến ái đối với người nào. Tình dục và luyến ái là nguồn gốc của bao điều phiền não.

“Tâm từ cũng không phải là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, bởi vì người có tâm từ không phân biệt người thân kẻ sơ.

“Tâm từ không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, không trừ bỏ một sinh vật nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của chúng ta.

“Tâm từ cũng không phải là tình đồng chí, không phải tình đồng chủng, không phải tình đồng hương, cũng không phải tình đồng đạo.

“Tâm từ êm dịu vượt hẳn lên trên các thứ tình hẹp hòi ấy. Phạm vi hoạt động của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sinh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.

“Tựa hồ như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

“Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thâý mình đồng hoá với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là “ta” lần lần mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất. [Đức Phật và Phật Pháp, trang 584-588]

Các Bài Hát Thực Tập Chánh Niệm

chanhniem

Ảnh: giacngo.vn

1. Quay Về Nương Tựa

Quay về nương tựa hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt soi sánh xa gần
Hơi thở là Pháp bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng phối hợp tinh cần.

2. Thở Vào Thở Ra

Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát, là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu, không gian mênh mang.

3. Vào Ra Sâu Chậm

Vào – ra – sâu – chậm
Khoẻ – nhẹ – lặng – cười
Hiện tại – tuyệt vời.

4. Đã Về, Đã Tới

Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi, quay về nương tựa
Nay tôi đã về, nay tôi đã tới
An trú bây giờ, an trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động.

5. Đây Là Tịnh Độ

Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây
Mỉm cười chánh niệm, an trú hôm nay
Bụt là lá chín, Pháp là mây bay
Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này
Thở vào hoa nở, thở ra trúc lay
Tâm không rằng buộc, tiêu dao tháng ngày.

6. Hai Lời Hứa

Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ
sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
(thở: uum… à ba lần)

Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể yêu thương
và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
(thở: uum… à ba lần)

7. Tiếng Chuông Chùa Chùa Cổ

Boong boong, tôi là chuông đại hồng
ngôi chùa xưa trên đỉnh núi.
Boong boong, tôi khua vang
mở đầu cho một bình minh mới.
Boong boong, nghe chuông tôi xin người nở nụ cười
Boong boong, nghe tiếng tôi
xin người đem mắt thương nhìn cuộc đời.

Boong boong, thở vào tâm người tĩnh lặng
Boong boong, thở ra miệng người mỉm cười
Boong boong, người trở về phút giây hiện tại
Boong boong, người an trú phút giây tuyệt vời.

Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.

8. Hạnh Phúc Bây Giờ

Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết lo âu
Không đi đâu nữa
Có chi để làm
Học buông tha
Sống không vội vàng.

Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết lo âu
Không đi cũng tới
Thấy chi cũng làm
Lòng thanh thản
Sống trong nhẹ nhàng.

9. Thiền Trà

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm dâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

Khi uống chén trà trong
ta nhớ cội nhớ nguồn
Khi nhấm chén trà thơm
hỏi nước đến từ đâu
Nước từ nguồn suối cao
nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy.

10. Không Đến Không Đi

Không đi đâu, cũng không cần đến
Không trước cũng không sau
Cầm tay nhau, đứng bên nhau
Rồi chia tay, bước cho thảnh thơi
Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau rồi từ rất lâu
Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau hoài mai sau.

Nguồn: langmai.org

Kinh Người Biết Sống Một Mình

alone_but_HAPPY_by_IgNgRez

Ảnh: deviantart.com

Nghe tại đây

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú

Vững trãi và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Thì Mâu Ni gọi là

Người Biết Sống Một Mình.

Nguồn: langmai.org

Tứ Diệu Đế – Nguyên Tắc Trị Liệu Của Y Khoa

thichthanhtu-1Ảnh: giacngo.vn

Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của tài năng, của tình thương và của hạnh phúc. Nếu các hạt giống ấy được nuôi dưỡng, được tưới tẩm hằng ngày thì không những mình có được hạnh phúc mà còn mang lại hạnh phúc cho người khác. Tuy vậy, ta nên biết, bên cạnh những hạnh phúc, ta vẫn còn có những khó khăn, những khổ đau trong thân tâm. Ta cần để thời gian để nhìn lại chúng, để gọi tên chúng và để công nhận sự có mặt của chúng. Ta không được đè nén hay trốn chạy chúng. Nỗi khổ niềm đau ấy có thể là do cha mẹ, tổ tiên của ta trao truyền lại. Nếu chúng ta gọi được tên của những nỗi khổ niềm đau, chúng ta sẽ cảm thấy rất khỏe. Sở dĩ, chúng ta còn khổ bởi chúng ta chưa chịu công nhận những nỗi khổ niềm đau của mình. Có công nhận chúng thì mới có cơ hội tính đến chuyện chuyển hóa chúng.

Đối với những người thương của mình, những người sống xung quanh mình, mình cũng cần quán chiếu để thấy được những khó khăn, những yếu kém, những khổ đau của họ. Bởi vì khó khăn của họ có ảnh hưởng đến hạnh phúc của chính chúng ta. Thật vậy, nhiều người đã không biết cách xử lý những khổ đau của chính họ nên không những họ tự gây khổ đau cho mình mà còn làm khổ người khác. Chúng ta phải thấy được, những người ấy rất đáng thương. Vì họ cũng chỉ là nạn nhân của những những tập khí xấu được trao truyền từ  ông bà tổ tiên qua nhiều thế hệ. Nếu thấy được nguyên nhân và gốc rễ của những khó khăn nơi người kia thì mình sẽ chấp nhận được họ mà không gây áp lực, không đòi hỏi sự thay đổi nơi họ, ngược lại còn giúp họ chuyển hóa những yếu kém ấy. Sự chấp nhận này được để thể hiện bằng chất liệu từ bi qua cách nói, cách nhìn của mình đối với người ấy. Chính sự chấp nhận đó mới có khả năng mang lại sự thay đổi nơi chính mình và nơi người khác.

Tuy nhiên, muốn giúp được người, trước tiên cần làm hòa, cần chấp nhận những khổ đau và yếu kém của chính bản thân mình. Mình có thể viết một lá thư chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của mình với người kia. Trong thư cần nêu được nguyên nhân nào đã đưa đến những khổ đau nơi mình. Rồi mình giúp người kia quán chiếu những khổ đau của chính họ.

Các bác sĩ tâm lý trị liệu có nhiệm vụ giúp đỡ các bệnh nhân thấy được nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý trị liệu cũng phải hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính họ, phải biết được gốc rễ đã đưa đến những nỗi khổ niềm đau ấy. Tóm lại, cả hai –bệnh nhân và bác sĩ đều phải làm việc. Họ phải thực tập như một Phật tử, là xác nhận khổ đau của mình đang có mặt. Có chấp nhận những khổ đau ấy có mặt thì mới có cơ hội tìm đến được gốc rễ của những khổ đau ấy, đó là tập đế. Khi biết được nguyên nhân của những khổ đau, mình sẽ có con đường để chuyển hóa, để trị liệu chúng, đó là đạo đế. Một bác sĩ y khoa cũng nên thực tập theo phương pháp Tứ Diệu Đế. Vì Tứ Diệu Đế là linh dược trị khổ đau.

Thích Nhất Hạnh

Nguồn: Langmai.org

Tìm Về Nơi Nương Tựa Vững Chãi

0807chungtai_card_450

Ảnh: zendenver.org

Chánh niệm khơi nguồn giác tính

Trong bài tụng Ba sự quay về có đoạn: “Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính sớm mở lòng bồ đề”. Từ giác tính trong đoạn này chính là phật tính – tức là khả năng giác ngộ nơi mỗi người. “Về nương Bụt trong con” có nghĩa là quay về nương tựa vào giác tính sẵn có nơi mỗi người. Điều này cũng cụ thể như việc ta có lá phổi, trái tim, đôi chân,…  và ta quay về nương vào chúng để sinh tồn vậy. Có nhiều người trong chúng ta có cảm giác bấp bênh, không vững chãi, chông chênh giống như là một chiếc thuyền không có neo, thành ra không buông neo được, không đứng yên được. Mỗi người đều có nhu yếu được nương tựa vào một nơi nào đó để có thể vững chãi hơn trong cuộc sống. Và ta đang kiếm tìm nó. Đạo Bụt không chủ trương nương tựa vào một đấng thần linh ở ngoài mà hướng dẫn ta quay về nương tựa nơi giác tính có sẵn trong ta – giác tính là khả năng tỉnh thức, khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Chánh niệm là đầu giây mối nhợ của sự tỉnh thức; chánh niệm giúp ta biết được chuyện gì đang xảy ra.

Khi thở vào mà biết được ta đang thở vào thì ta đang có chánh niệm. Có chánh niệm là có giác tính. Chánh niệm với giác tính là một thứ. Bởi vì nếu mê mờ thì đâu biết cái gì đang xảy ra. Sự ý thức rõ ràng về hơi thở vào ra của chính mình là một năng lượng giác, và nó đích thực là Bụt. Bụt chính là hơi thở có chánh niệm. Khi thở, Bụt biết mình đang thở. Bụt thở rất khỏe, rất nhẹ nhàng, rất dễ chịu. Nếu thở vào, mình cũng thở có phẩm chất như Bụt thì lúc ấy mình đang có Bụt. Bởi vì Bụt cũng là một con người; nhưng Bụt có ý thức rõ ràng về từng hành động của chính mình, Bụt an trú được trong phút giây hiện tại, có mặt cho sự sống trong phút giây hiện tại, và không bị kéo theo những thói quen. Là học trò Bụt, mình phải có mong muốn làm được như Bụt: thở như Bụt, đi như Bụt, ngồi như Bụt… Sở dĩ, bước đi của Bụt có phẩm chất là vì có giác tính. Và cái thở, cái ngồi của Ngài cũng vậy. Mình có thể học cách thở, cách đi, cách ngồi… như Ngài. Nếu mình đi, thở, ngồi… được như Bụt thì lúc ấy, giác tính của mình đang biểu hiện. Nương tựa vào giác tính nghĩa là nương tựa vào hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, thế ngồi chánh niệm… Những điều này rất cụ thể, rất thực tế, không mơ hồ chút nào. Nếu thực tập giỏi, mình sẽ có được chỗ nương tựa trong hai mươi bốn giờ một ngày. Nhưng nên nhớ, hơi thở, bước chân, thế ngồi… phải thực sự có phẩm chất, có giác tính thì chúng mới trở thành nơi nương tựa của chúng ta.

Đến Làng Mai, mình thấy xung quanh mình ai cũng hết lòng thực tập, chính phẩm chất tu tập của tập thể đã tạo cho mình niềm tin là chính mình cũng có thể làm được. Nếu người khác ngồi có phẩm chất, có hạnh phúc, không lý nào mình lại không làm được như họ? Thực tập chung với tăng thân rất có lợi, sự thực tập của người này nâng đỡ sự thực tập của người kia, mình phải tận dụng cơ hội mỗi khi được tu chung với tăng thân để nâng cao phẩm chất tu tập của mình, để trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi thế ngồi đều có giác tính. Hai mươi bốn giờ mỗi ngày là tặng phẩm rất lớn, ta phải biết dùng nó cho đúng đắn, cho thích hợp, đừng để thời gian quý báu phí hoài trôi qua. Ta phải sử dụng thời gian thật khéo léo như một nghệ sĩ thì mới không đánh mất sự sống một cách oan uổng. Như vậy, rõ ràng, giác tính không nằm ở ngoài; nó nằm trong năm uẩn của mình. Muốn tìm Bụt chỉ cần tìm nơi hơi thở, bước chân, thế ngồi… có chánh niệm. Nương vào hơi thở có chánh niệm là nương tựa Bụt, là quy y Bụt. Bụt không phải là một đấng thần linh ở bên ngoài. Đến Làng Mai là cơ hội để chúng ta học thở, học đi, học ngồi… để tiếp xúc được với giác tính làm chỗ nương tựa cho chính mình.

Tăng Thân trong trái tim

Chúng ta đã đi lang bạt quá nhiều rồi. Chúng ta ước muốn có một nơi để quay về, để nương tựa, để có được sự bình an trong thân tâm. Chúng ta không nên tìm nơi nương tựa đó ở ngoài; hãy tìm nó ngay trong giây phút hiện tại, trong năm uẩn của mình. Các bậc hiền nhân đều biết được điều này: trở về và hiểu biết chính mình. Nhưng phần lớn chúng ta không thấy được như vậy nên đã thường xuyên hướng ngoại. Ở phương Tây, Giáng sinh là ngày mà người ta có khuynh hướng tìm về xum họp với gia đình; ở châu Á thì trong ngày tết Nguyên Đán dù đi đâu xa ai ai cũng phải thu xếp công việc để về đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, vì gia đình cũng là một nơi nương tựa. Nhưng nhiều người trong chúng ta không có may mắn có một gia đình toàn vẹn, hạnh phúc nên không muốn trở về nơi ấy. Những người này rất khao khát có một nơi để trở về mỗi khi có sự cô đơn, hờn tủi. Có thể họ đi tìm nơi nương tựa ở những người khác – một người đàn ông hay một người đàn bà khác.

Có rất ít người nghĩ được rằng, mình đã có sẵn chỗ nương tựa trong chính mình. Khi tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính thì mình sẽ có được bình an, vững chãi thật sự. Khi ấy mình có thể làm nơi nương tựa cho những người khác. Nếu những người đã tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính của chính mình mà đến sống cùng nhau thì sẽ tạo nên một nơi nương tựa khá vững chắc cho nhiều người khác. Tập hợp những người biết nương tựa vào tự thân, và nương tựa vào nhau được gọi là tăng thân. Làng Mai là một Tăng Thân như vậy. Tăng Thân rất vững chãi; vì nó được tạo nên từ những người có chất liệu ổn định và vững chãi. Do vậy, Bụt mới dạy, mình phải biết nương tựa vào tăng. Nhưng tăng thật sự được hình thành khi các thành phần của tăng thân biết thực tập nương tựa vào hải đảo của tự thân, vào giác tính của chính mình. Tăng có ở trong mình và có ở chung quanh mình. “Về nương Tăng trong con” có nghĩa là không chỉ quay về nương tựa Tăng ở xung quanh mình mà quan trọng là quay về nương tựa Tăng ở trong mình. Dù đi bất kỳ nơi đâu, mình cũng mang theo Tăng Thân trong trái tim. Nếu mình thành công trong việc nương tựa vào Tăng Thân khi ở Làng Mai thì mình cũng có thể làm được điều này khi trở về trú xứ.

Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn nghĩ ngay đến việc xây dựng Tăng Thân. Mặc dù Ngài đã thành đạo, đã tìm được nơi nương tựa nhưng Ngài vẫn xây dựng một Tăng Thân để làm nơi cho những người khác đến nương tựa. Ngài biết rằng, Tăng Thân rất cần cho cuộc đời, và Ngài dành nhiều thời gian cho việc xây dựng Tăng Thân. Ngài là người dựng Tăng rất giỏi, rất nhiều kinh nghiệm, rất kiên nhẫn. Việc dựng Tăng không dễ; bởi Tăng Thân cũng có những cá nhân còn lên xuống, còn bất ổn. Do đó, người làm công tác dựng Tăng phải thật sự kiên nhẫn và từ bi.

Trong Tăng Thân của đức Thế Tôn, đôi khi cũng có những rạn nứt, nhưng đức Thế Tôn không mất hy vọng, không nản chí, và quan trọng là không mất đi tình thương. Cuối cùng, những rạn nứt ấy đã được hàn gắn. Đừng bao giờ nghĩ, Tăng Thân phải hoàn hảo, phải không có bất kỳ những khó khăn nào, hạn chế nào. Đức Thế Tôn đã xây dựng Tăng Thân hết sức thành công, và Tăng Thân đã giúp đỡ ngài rất nhiều. Một vị Bụt không có Tăng Thân giống như một nhạc công không có nhạc khí, chẳng làm ăn gì được. Nhạc sĩ phải đi tìm một nhạc khí, và Bụt phải dựng Tăng.

Sau khi thành đạo, Ngài đi tìm năm anh em ông Kiều Trần Như để giáo hóa họ, và Tăng Thân đầu tiên được hình thành gồm năm người. Tăng Thân của đức Thế Tôn đã tiếp tục được phát triển cho đến ngày hôm nay. Ngày xưa, Tăng Thân của Bụt chỉ trong phạm vi nước Ấn, nhưng hôm nay Tăng Thân ấy đã lan rộng khắp thế giới. Ngày xưa, đức Ki –Tô  cũng xây dựng Tăng Thân. Tăng thân của Ngài ban đầu chỉ mười hai người – phần lớn là những người đánh cá. Ngài nói với họ: “Theo tôi đi; mình sẽ đi cứu người; thay vì mình tung lưới bắt cá thì hãy tung lưới giáo pháp để giúp đỡ người khác.” Tăng Thân của đức Ki – Tô sau này được gọi là tông đồ. Khi Tăng Thân của Ngài lên đến con số sáu mươi, Ngài căn dặn các đệ tử của Ngài nên đi độ đời. Mục sư Martin Luther – một nhà vận động nhân quyền người Mỹ – rất ao ước xây dựng một Tăng Thân. Ngài biết rõ, nếu không có tăng thân thì không có hạnh phúc lớn, không đủ sức mạnh để tranh đấu được cho nhân quyền. Ngài gọi Tăng Thân ấy là Tăng Thân yêu quý. Nhưng rất tiếc, ngài đã bị ám sát năm 34 tuổi. Do vậy, công việc xây dựng Tăng Thân của ngài chưa được hoàn tất. Các bậc vĩ nhân đều thấy rằng, xây dựng Tăng Thân là một việc rất quan trọng; bởi vì chúng ta không những biết nương vào chính mình mà còn phải nương vào nhau. Nếu có thể nương vào giác tính của chính mình thì cũng có thể quay về nương tựa nơi Tăng Thân. Khi xây dựng Tăng Thân thành công, ta sẽ có được sự vững chãi, có được sự ổn định, và cùng với Tăng Thân, ta có thể thực hiện được hoài bão của đời mình. Đánh mất Tăng Thân là đánh mất đi cái quý báu nhất. Người nào có Tăng Thân trong trái tim thì người đó có hạnh phúc.

Năm 1966, tôi đã một mình rời quê hương để kêu gọi hoà bình cho Việt Nam. Đi một mình mà không có Tăng Thân rất là nguy hiểm. Điều này giống như một con ong xa lìa tổ, nó có thể bị tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng thầy không chết; bởi vì thầy đã đem theo Tăng Thân trong tim mình. Do vậy, tôi được Tăng Thân bảo hộ; tôi làm gì, nói gì cũng là làm cho Tăng Thân. Chúng ta nên thực tập để tìm một Tăng Thân tu tập nghiêm chỉnh để làm nơi nương tựa cho mình, và nơi nương tựa vững chãi nhất là ở chính mình. Mình thực tập nương tựa vào người khác trong Tăng Thân là nhằm mục đích hướng đến việc tìm nơi nương tựa trong chính bản thân mình. Mình thực tập hiến mình cho Tăng Thân, trở thành một phần tử của Tăng Thân, và mình sẽ được thừa hưởng những thành phần khác của Tăng Thân. Khi rời Làng Mai, nếu mình đem theo được Tăng Thân trong trái tim tức là đã thành công. Tăng Thân không phải chỉ có xung quanh mình mà còn có ở trong trái tim mình. Trong sự thực tập, một mặt mình cần quán sát mỗi thành phần của Tăng Thân thực tập như thế nào trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở… cách tìm nơi nương tựa, mặt khác mình thực tập trở về tìm nơi nương tựa nơi chính mình trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Thực tập như thế nào để khi đi, đứng, nằm, ngồi… mình đều có nơi nương tựa. Mình không đi tìm hạnh phúc trong tương lai nữa mà tìm nó ngay trong phút giây hiện tại.

Thích Nhất Hạnh

Nguồn: langmai.org